Nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam vốn có truyền thống từ lâu đời, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn chứa đựng nhiều nét đẹp văn hoá làng quê Việt Nam.
Truyền thống đó được biểu hiện bằng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo, hoàn mỹ tái hiện nền văn minh lúa nước, những làng nghề, phố nghề có tiếng của nước ta.
Trong đó, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đẹp nhất có thể kể đến gồm đồ gốm, mây tre đan, sơn mài và đồ kim hoàn.
Gốm Việt Nam
- Nghề gốm ở Việt Nam đã có từ lâu.
- Miền Bắc nổi tiếng với gốm Bát Tràng, gốm Đông Triều, gốm Phù Lãng, gốm Thổ Hà…
- Miền Nam có gốm Sài Gòn, gốm Biên Hoà, gốm Bình Dương… Và hiện nay, hàng gốm nước ta đã có mặt trên nhiều thị trường quốc tế.
- Hoạ tiết trên đồ gốm gắn liền với đời sống dân gian như hình ảnh chú bé quen thuộc ngồi thổi sáo trên lưng trâu, mái chùa hồ sen, cây đa cổng làng hay người thiếu nữ gảy đàn.
- Bên cạnh đó, những màu men gốm được ưa chuộng là men ngọc, men chảy, men vàng nhẹ, men da lươn.
Mây tre đan Việt Nam xuất khẩu
- Với bàn tay khéo léo, những người thợ thủ công làm hàng mây tre đan từ những đặc sản của xứ sở Việt Nam nhiệt đới gồm cây tre, cây song và cây mây.
- Những đĩa bày hoa quả, giỏ, khay, chao đèn, bộ salon tủ sách… đẹp mắt chế tác từ mây tre đan đã có mặt ở Hội chợ Paris từ năm 1931.
- Ngày nay, hơn 200 mặt hàng mây tre đan Việt Nam này đã được khách hàng quốc tế biết đến và ưa chuộng.
Sơn mài Việt Nam
- Cây sơn Việt Nam trồng ở Phú Thọ được đánh giá là loại cây có nhựa tốt hơn hẳn nhựa sơn trồng ở nơi khác. Do đó, hàng sơn mài Việt Nam nổi tiếng tại nhiều quốc gia bởi chất lượng vừa đẹp lại bền.
- Hàng sơn mài ban đầu chỉ có bốn màu: đen, đỏ, vàng và nâu. Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, người thợ sơn mài cũng khéo léo sáng tạo nên bảng màu sơn mài phong phú hơn, khoác lên cho sản phẩm sơn mài thủ công mỹ nghệ Việt Nam một vẻ đẹp lộng lẫy và sâu thẳm.
- Đến nay, các mặt hàng tranh treo tường, hộp đồ nữ trang, bàn cờ, bình phong… làm từ sơn mài đã trở thành mặt hàng thủ công mỹ nghệ không thể thiếu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đồ kim hoàn Việt Nam
- Người Việt Nam biết dùng vàng bạc làm đồ trang sức từ thế kỷ 2, do đó nghề kim hoàn có một truyền thống phát triển lâu đời.
- Trong nghề kim hoàn có ba nghề khác nhau nhưng giá trị của chúng lại kết nối với nhau nhiều trong từng sản phẩm trang sức.
- Thứ nhất là nghề chạm, trổ những hoa văn trên mặt đồ vàng bạc.
- Thứ hai là nghề đậu, kéo uốn ghép vàng, bạc đã nấu chảy thành sợi dài và tạo hình hoa, lá, chim muông gắn lên các đồ vàng bạc.
- Cuối cùng là nghề trơn, tức là chuyên đánh vàng, bạc thành đồ trang sức không qua chạm trổ.
- Hà Nội nay vẫn có phố Hàng Bạc chuyên chế tác và mua bán đồ trang sức vàng bạc từ xa xưa.
- Ngày nay, chúng ta cũng dễ thấy các mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam từ vàng, bạc rất đa dạng trong các cửa hiệu khắp đất nước, từ đồ trang sức nhẫn, vòng, dây chuyền, hoa tai đến các vật dụng gia đình như bộ đồ ăn, bộ ly uống rượu, lược, chân cây nến, khung gương, hộp phấn… và đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
- Tóm lại, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã nổi tiếng trên thế giới từ lâu và đã đạt đến trình độ khá cao.
- Các công ty trên khắp cả nước với đội ngũ nghệ nhân lành nghề đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị nghệ thuật, vừa phục vụ nhu cầu trong nước và vừa để xuất khẩu.